Sự nghiệp sáng tác Mark Twain

Mark Twain là một nhà văn trào phúng nổi tiếng của Mỹ. Những tác phẩm của ông, với tính chất châm biếm sâu sắc, với những nét miêu tả tâm lý xã hội cực kỳ khéo léo, đã trở thành những vũ khí sắc bén đấu tranh chống sự áp bức thống trị của bọn cầm quyền phong kiến tư bản, nhất là chống cái chính sách dã man phân biệt chủng tộc đối với người da đen ở Mỹ.

Con đường đến với văn học của Twain đến nay vẫn không khỏi khiến người ta ngạc nhiên, khởi đầu bằng một tác phẩm hài hước có tựa đề Con ếch nhảy trứ danh ở Calaveras (The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County). Dù ngày nay đọc lại, tác phẩm đó không thể kiếm nổi của độc giả một nụ cười nhưng lúc bây giờ, Con ếch nhảy trứ danh ở Calaveras đã giúp ông trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tiếp đó là những chuyến ngao du khắp đất nước với những buổi nói chuyện trước những cử tọa chật kín, ông đã khiến khán giả cười vỡ bụng bằng khiếu nói chuyện hài hước và thông minh của mình.

Mark Twain đã đưa lối văn đàm thoại vào cách hành văn Mỹ và nhờ các truyện ngắn, ông đã nổi danh là một nhà viết văn khôi hài, chuyên chế giễu các phong tục, tập quán và các định chế của xã hội đương thời.

Trong 20 năm trường sống tại thành phố Hartford hay tại Quarry Farm gần thành phố Elmira, New York, Mark Twain đã viết rất nhiều và các bài viết được phổ biến qua các tạp chí văn học xuất bản tại hai thành phố BostonNew York.

Sau cuốn Sống thiếu thốn (Roughing It) kể về cuộc đời của một thợ mỏ và một nhà báo, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Mark Twain là Thời kỳ vàng son (The Gilded Age, 1873). Tác giả đã viết cuốn này chung với Charles Dudley Warner, một người bạn và một nhà văn sống tại Hartford. Cuốn Thời kỳ vàng son nói về các thập niên sau cuộc Nội chiến, qua đó, tác giả châm chọc tính ích kỷ và các cách kiếm tiền phổ thông của thời bấy giờ.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (The Adventures of Tom Sawyer, 1876) được coi là hồi ký của Mark Twain và tác giả mô tả Tom Sawyer, anh bạn Huck Finn và tên gian ác Injun Joe cũng như làng St. Petersburg nhờ các kỷ niệm sống tại Hannibal khi trước.

Đi nước ngoài (A Tramp Abroad, 1880) được viết ra từ chuyến du lịch châu Âu của tác giả vào năm 1878. Cuốn truyện này kể lại các chuyến đi qua Đức, Thụy SĩÝ và qua đó, tác giả đã pha trộn các truyền thuyết, chuyện kể, chuyện khôi hài và các nhân vật địa phương để chế giễu nhẹ nhàng các sách du lịch và nền văn hóa tại châu Âu.

Hoàng tử và kẻ nghèo (The Prince and the Pauper, 1882) dùng khung cảnh nước Anh vào năm 1550, mô tả sự trao đổi nhân dạng giữa Hoàng tử Edward VI của Anh và đứa trẻ nghèo hèn tên là Tom Canty. Cuốn truyện này đã làm vừa lòng một số độc giả thuộc vùng Tân Anh Cát Lợi nhưng một số người khác lại bất mãn vì họ ưa thích loại truyện đã xuất bản trước kia.

Đời sống trên dòng sông Mississippi (Life on the Mississippi, 1883) mô tả về lịch sử, truyền thuyết, khung cảnh, con người của các con tàu thủy, của các thành phố dọc theo sông Mississippi. Tác giả Mark Twain đã kể rõ về những ngày lái tàu của mình khi trước từ chương 4 tới chương 17. Các chương này trước kia đã được phổ biến trên tờ nguyệt san Atlantic vào năm 1875 qua loạt bài Thời xưa trên dòng sông Mississippi (Old Times on the Mississippi).

Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (The Adventures of Huckleberry Finn) được coi là tác phẩm danh tiếng nhất của Mark Twain, được xuất bản tại Anh vào năm 1884Hoa Kỳ vào năm 1885, và là phần tiếp của cuốn Tom Sawyer. Cuốn truyện này mô tả các cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ trốn nhà, là Huck Finn và một em nô lệ da đen tên là Jim. Tom Sawyer cũng xuất hiện lại trong một số chương với trò khôi hài cố hữu. Trong truyện, Mark Twain đã dùng thứ ngôn ngữ hiện thực (realistic language) thêm vào là nhiều loại thổ ngữ (dialects) làm cho sống động các nhân vật. Các lối hành xử thiếu đạo đức, lời nói vô hạnh nhất thời của nhân vật Huck Finn và cách dùng văn phạm thiếu thận trọng của tác giả trong tác phẩm, đã làm cho một số độc giả bất mãn. Thư viện công lập Free Public Library đã cấm cuốn truyện này vào năm 1885. Ngoài ra, một số độc giả còn phản đối Mark Twain vì cho rằng ông đã chấp nhận chế độ nô lệ, lời văn mang tính kỳ thị và đã dùng chữ "nigger" (kẻ nô lệ dơ bẩn). Thực ra đối với thời bấy giờ, Mark Twain là một người tiến bộ về vấn đề chủng tộc và các chủ đề sâu xa viết về Huckleberry Finn đã bàn tới sự bình đẳng căn bản và khát vọng toàn cầu của mọi người thuộc mọi chủng tộc.

Cuối cùng, tác phẩm Người Mỹ trong triều đình của vua Arthur (A Connecticut Yankee in King Arthur's Court, 1889) đã trình bày một nhân vật khác nhiều màu sắc. Đây là người đốc công trong xưởng kim loại từ Hartford, Connecticut, tên là Hank Morgan. Nhờ quỷ thuật, Morgan thấy mình được sống tại nước Anh vào khoảng năm 500, nên đã quyết định cải tổ xã hội Anh bằng cách đưa vào đó các lợi ích về kinh tế, tri thứcđạo đức của thập niên 1800. Nhưng trước các cải cách và hoạt động từ thiện, đám đông quần chúng ngu dốt, cố vấn do giới Hiệp sĩ và Tu sĩ mê tín, đã nổi lên lật đổ Nhà vua nước Anh. Qua các sự kiện xảy ra trong truyện, tác giả đã gián tiếp chế nhạo các thái độ tôn kính của một số tác giả đối với các Hiệp sĩ bàn tròn, đồng thời Mark Twain cũng đưa ra một số câu hỏi về giá trị của nền văn hóa đương thời tại Hoa Kỳ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mark Twain http://agora.qc.ca/mot.nsf/Dossiers/Mark_Twain http://classiclit.about.com/library/weekly/aafpr11... http://www.lucidcafe.com/library/95nov/twain.html http://www.nytimes.com/books/first/h/hoffman-twain... http://www.twainquotes.com/teindex.html http://www.english.illinois.edu/people/brucem http://www.distinguishedprofessors.ku.edu/professo... http://english.stanford.edu/bio.php?name_id=51 http://www-english.tamu.edu/pers/fac/loving http://www.ucmerced.edu/faculty/facultybio.asp?fac...